Tại chức nhiều người thành đạt
Nhiều độc giả đã chia sẻ những tấm gương học tại chức vẫn thành đạt để chứng minh thành kiến “học tại chức là năng lực kém, là làm việc không hiệu quả” hoàn toàn là sai lầm.
Anh Đinh Trọng – một người từng học hệ tại chức – đặt câu hỏi tại sao các công ty nước ngoài không phân biệt chính quy, tại chức, mà các nhà tuyển dụng Việt Nam lại chối bỏ sản phẩm của giáo dục nước nhà. “Tôi cũng học tại chức và hiện nay đang làm việc cho công ty xây dựng của Nhật Bản tại nước ngoài với mức lương mà nhiều kỹ sư ở VN ao ước. Vậy họ tuyển tôi với lý do gì? Mong các bạn chính quy trả lời giúp!”
Đồng tình với ý kiến này, độc giả Nguyễn Hoàng – người có một bằng dân lập, một bằng tại chức chia sẻ, hiện tại anh đang làm quản lý ở một công ty liên doanh, lương tháng không dưới 2.000 USD. “Khi tuyển dụng, công ty thậm chí còn không thèm nhìn bằng của tôi. Họ phỏng vấn xong, cho thử việc 3 tháng. OK là nhận liền, nhà tuyển dụng đâu có quan tâm bạn học tại chức hay chính quy, họ chỉ quan tâm xem bạn làm được gì cho doanh nghiệp mà thôi!” – anh Hoàng cho biết.
Cũng là người từng học tại chức, anh Nguyễn Công Huẩn thừa nhận những năm qua hệ đào tạo tại chức đã không làm đúng vai trò của mình, để lại nhiều ấn tượng không tốt với các nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, theo anh Huẩn, việc học tập phần lớn do bản thân người học. Thời phổ thông, anh cũng học ở một trường danh tiếng, là học sinh lớp chọn và hiện tại anh tự hào khi đang làm việc cho một ngân hàng.
Câu chuyện của độc giả Đoàn Huế cũng một lần nữa minh chứng cho nhận định “học tại chức cũng có năm bảy loại”. “Chị gái tôi thi Đại học Ngoại ngữ thiếu nửa điểm. Do hoàn cảnh gia đình lúc bấy giờ nên chị tôi học tại chức tại Thái Nguyên. Bây giờ chị là giáo viên dạy rất giỏi môn ngoại ngữ ở một trường THCS tại Thái Nguyên. Chị sắp sửa được đi Singapore 1 tháng theo một chương trình đào tạo của nước ngoài. Tôi chỉ lấy ví dụ về trường hợp học tại chức thôi”.
Một độc giả từng trải qua cả hai hình thức đào tạo tại chức và chính quy thì cho rằng không chỉ riêng gì tại chức, đào tạo chính quy bây giờ cũng “nhan nhản chạy điểm, copy bài, sử dụng tài liệu... và một số vấn đề tế nhị khác. Từ đó, tôi khẳng định tố chất của người học mới là mấu chốt của vấn đề chứ không phải là các yếu tố khác” – độc giả này khẳng định.
Là người làm việc cùng với cả các đồng nghiệp đã từng học tại chức và chính quy, chị Nguyễn Thị Liễu – một người Nam Định hiện đang làm việc tại một cơ quan Nhà nước của tỉnh - đưa ra nhận định có phần khách quan: “Tại ngành tôi quản lý, có những em tốt nghiệp chính quy nhưng sau khi được tuyển không phát huy được năng lực, chất lượng công tác chưa đạt yêu cầu, có trường hợp phải bố trí làm việc khác do tư duy trong một văn bản quá yếu. Nhưng ngược lại, có những em học tại chức ra và được tiếp nhận về đến nay đã phát huy tốt năng lực sở trường và đã được giao những vị trí quan trọng. Vì vậy khi đọc thông tin tuyển dụng công chức của Nam Định, tôi thấy buồn…”
Mặt bằng yếu kém – không thể phủ nhận
tại chức, chính quy, Nam Định, tuyển dụng, con ông cháu cha
Ảnh minh họa
Thực tế, vẫn có những cá nhân mặc dù học tại chức nhưng vẫn làm việc xuất sắc, thành đạt trong sự nghiệp. Tuy nhiên, vẫn không ít ý kiến cho rằng không thể phụ nhận mặt bằng chung của hệ tại chức rất kém.
Độc giả Nguyễn Võ Lộc – một giảng viên từng dạy tại chức, liên thông – nhận xét “đa số người học đều không chịu khó học mà chỉ cần qua môn học đó là được. Thi hết môn không nghiêm túc, hiện tượng chép bài thi rất phổ biến, có học viên không đi học một buổi nào nhưng thi vẫn đạt điểm cao, vì mục đích của những người này là cần tấm bằng thôi!”
“Tôi học đại học kinh tế chính quy, hiện đang làm cơ quan Nhà nước, tôi đăng ký học lớp Anh văn hệ vừa học vừa làm. Thế nhưng chương trình đào tạo còn thua lớp học thêm Anh văn cấp 3. Nản nên tôi bỏ học vì thấy không hiệu quả” – bạn đọc Triệu Vy chia sẻ.
“Tôi cũng là người làm công ăn lương và đang học khóa ngắn hạn tại một trường đại học. Là người trong cuộc tôi hiểu được thế nào là học tại chức, đa số là học cho có bằng để nhanh lên chức quyền chứ đâu phải học để nâng cao trình độ nghiệp vụ gì đâu. Nếu các bạn không tin thì thử làm cuộc khảo sát xem những lớp tại chức học thế nào thì biết liền. Trong quá trình học học phí tương đương với quỹ lớp để đi thầy cô thì thử hỏi xem họ học những gì? Thực tế, trước và sau khi học xong, được cấp bằng khá, giỏi hẳn hoi, ăn lương bậc đại học và nếu có khả năng chạy thì lên chức liền sau đó nhưng trong công việc họ có thay đổi được gì đâu... vẫn ê a...vậy thôi” – anh Mạnh Hùng nhận xét với tư cách một người trong cuộc.
Hoàn toàn ủng hộ với chủ trương không tuyển tại chức, bạn đọc Nguyễn Hải đưa ví dụ: “Như địa phương tôi có nhiều trường hợp học hết lớp 6 bỏ học vài năm, xong học bổ túc cấp 2, bổ túc cấp 3, xin học trung cấp sư phạm, nay có bằng ĐH tại chức. Và giờ biên chế trong ngành giáo dục, thử hỏi chất lượng ở đâu? Các bác có muốn gửi gắm con em mình cho các thầy cô như vậy?”
 
Theo: VNN